HOTLINE:  02873037037 -
English Tiếng Việt

Dự báo thị trường kim loại màu thế giới năm 2015

30-03-2015

Thị trường đồng

Tập đoàn nghiên cứu đồng quốc tế dự kiến nhu cầu tiêu thụ đồng tinh chế vượt cung trong năm 2014 trong khi năm 2015 sẽ nhìn thấy nguồn cung dư thừa do nhu cầu yếu hơn sản xuất. Với chức năng thay thế một số nguyên liệu khác, nguồn cung đồng có thể đối diện với vật cản lớn do nhu cầu tiếp tục mở rộng. Thiếu hụt nguồn cung liên quan tới nhu cầu tiêu thụ là do sản xuất giảm tại Inđônêxia, Zambia và Ôxtrâylia sau khi có lệnh cấm xuất khẩu, nhiều mỏ tạm thời đóng cửa. Tình trạng đe dọa nguồn cung sẽ còn tiếp diễn vào năm 2015 do chi phí tăng cao, giá than tăng, rủi ro về chính trị, chi phí vận chuyển và rủi ro về tỷ lệ ngoại hối vẫn tồn tại nếu xuất khẩu đẩy tăng chi phí trong nước. Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro này, công suất sản xuất đồng hàng năm vẫn dự kiến tăng với tỷ lệ trung bình 7%/năm tới năm 2017 và tăng 56% từ Pêru, Zambia, Chi Lê, Mêxicô và cộng hòa Công Gô. Tỷ lệ tăng tiêu thụ tại Trung Quốc- nước chiếm 40% tiêu thụ toàn cầu, dự kiến chậm lại còn 5% trong năm tới do thị trường bất động sản đóng băng. Với tỷ lệ tăng nguồn cung dự kiến vượt quá nhu cầu trong năm tới, giá đồng, theo dự kiến của Ủy ban đồng Chilê, dự kiến giảm 12 cent/lb trong năm 2015 so với mức năm 2014 là 3,12 USD/lb. Cuối năm 2014, giá đồng giao dịch thấp hơn mức trung bình của năm.

Các nhà phân tích tại BNP Paribas cũng dự kiến thị trường đồng tinh chế chắc chắn sẽ dư thừa trong 2 năm tới do ngành khai mỏ đồng đang hoạt động tích cực, kết quả là giá sẽ đạt dưới mức 7.000 USD/tấn.

Giá đồng sẽ vẫn bị áp lực cho tới khi giảm mạnh vào năm 2015, khi đó giá đồng chắc chắn sẽ chạm mức thấp đạt được hồi tháng 3/2014 là 6.320 USD/tấn.

Tập đoàn nghiên cứu hàng hóa ABN AMRO dự kiến trong tương lai gần, giá kim loại cơ bản sẽ phụ thuộc rất lớn vào tăng trưởng kinh tế tại khu vực châu Á mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc. Nhu cầu tiêu thụ kim loại chủ yếu nhờ vào ngành ô tô, máy công nghiệp, ngành điện và phát triển đô thị. Tin tốt lành là kinh tế các nước châu Á mới nổi dự kiến tương đối tốt. Điều này cho thấy nhu cầu nhập khẩu có khả năng vẫn cao. Tuy nhiên, những rủi ro gia tăng đối với nền kinh tế Trung Quốc - nơi sự bất ổn định tập trung vào ngành bất động sản và khu vực ngân hàng yếu kém.

Trong khi đó, Ủy ban đồng Chi lê ( Cochilco) giữ nguyên dự kiến của họ về giá đồng trung bình trong năm 2014 và 2015 do tỷ lệ tăng cung và cầu đồng đều tương tự như mức dự kiến trước đây. Giá đồng trung bình dự kiến đạt mức 3,12 USD/lb trong năm 2014 và 3 USD/lb trong năm 2015. Nhu cầu tiêu thụ đồng dự kiến đạt tổng cộng 22,02 triệu tấn trong năm nay, tăng 4,8% so với năm 2013. Nhu cầu dự kiến tăng lên mức 22,7 triệu tấn vào năm 2015, tăng 3,1%. Thị phần tiêu thụ đồng của Trung Quốc trên toàn cầu dự kiến tăng từ 46,8% trong năm 2013 lên 49,3% trong năm 2014. Tiêu thụ đồng của Trung Quốc, nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới sẽ tăng 9% trong năm 2014 trong khi sản lượng đồng đạt 19,22 triệu tấn, tăng 4,9% so với năm trước đó, chủ yếu do sản xuất tăng hơn tại Pêru, Inđônêxia, Mônglia, Cộng Hòa Công gô và Mỹ. Sản lượng đồng của Chi Lê dự kiến sẽ đạt 5,83 triệu tấn trong năm 2014, tăng 1% so với năm 2013 và sẽ tăng 6,8% vào năm 2015 đạt 6,23 triệu tấn.

Đồ thị 1: Dự báo giá đồng của Cơ quan Tình báo Kinh tế EIU, đơn vị tính cent/lb.


Thị trường nhôm

Tập đoàn tài chính Goldman Sachs Group Inc. nhận định giá alumina cần phải tăng lên cao hơn nữa nhằm kích thích nguồn cung sau khi Indonesia ban hành lệnh cấm xuất khẩu quặng thô khiến thị trường rơi vào trạng thái thiếu hụt.

Chuyên gia phân tích Max Layton của tập đoàn Goldman Sachs nhận định, giá alumina – nguyên liệu cơ bản để sản xuất nhôm – cần phải tăng lên mức 370 USD/tấn vào quý II/2015 và đạt 380 USD/tấn vào nửa cuối năm 2015 nhằm kích thích nguồn cung alumina tăng lên. Lệnh cấm xuất khẩu quặng thô của Indonesia, trong đó có quặng bauxite đã khiến thị trường rơi vào trạng thái thiếu hụt liên tục và góp phần khiến tăng trưởng sản lượng alumina tại Trung Quốc giảm xuống.

Nhôm đã vượt qua niken trở thành kim loại có mức tăng giá tốt nhất trong năm nay trong số 6 kim loại công nghiệp được giao dịch trên Sàn giao dịch kim loại London (LME). Giá kim loại nhôm và niken đều đã tăng lên sau khi Indonesia ban hành lệnh cấm xuất khẩu quặng thô. Theo tập đoàn Goldman Sachs, nguồn cung bauxite của Indonesia chiếm từ 10 – 15% tổng nguồn cung bauxite trên toàn cầu và có đến 50% lượng bauxite xuất khẩu của Indonesia được chuyển tới Trung Quốc – quốc gia sản xuất nhôm lớn nhất thế giới.

Theo đánh giá của Giám đốc chiến lược và phát triển của Công ty Alumina Ltd., ông Andrew Wood, Trung Quốc có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt từ 10 đến 15 triệu tấn bauxite trong năm 2015 do lượng bauxite dự trữ của nước này cạn kiệt. Lượng dự trữ bauxite từ Indonesia được Trung Quốc tích trữ trước khi Indonesia thực hiện lệnh cấm đang giảm xuống với mức giảm 1 triệu tấn/tháng và có thể giảm xuống chỉ còn 20 triệu tấn trong năm 2014 và 8 triệu tấn vào cuối năm 2015.

Các chuyên gia phân tích nhận định việc giá alumina tăng lên là điều cần thiết để kích thích nguồn cung tăng thêm 6 triệu tấn nhằm đáp ứng mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng almunia trong năm 2015. Goldman Sachs cho biết, việc giá alumina tăng lên sẽ khiến chi phí sản xuất nhôm tăng thêm 130 – 140 USD/tấn.

Dự báo giá alumina có thể đạt 370 USD/tấn vào quý II/2015 và 380 USD/tấn vào quý IV/2015 do thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Để sản xuất một tấn nhôm thì cần hai tấn alumina tương đương từ 5 đến 6 tấn bauxite.

-Goldman Sachs dự báo giá nhôm giao sau 6 tháng trên sàn LME có thể đạt 2.050 USD/tấn và tăng lên mức 2.100 USD/tấn đối với nhôm giao sau 12 tháng.

- Ngân hàng Morgan Stanley đã nâng mức dự kiến của họ về giá nhôm trong năm 2015 thêm 8%. Giá nhôm thấp đã thúc đẩy một số nhà sản xuất cắt giảm sản xuất và dự trữ nhôm giảm mạnh kể từ tháng 3/2014 chạm xuống mức thấp nhất 3 năm qua.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Quốc gia Ôxtrâylia, ông James Glenn cho rằng dường như các nhà sản xuất nhôm đã phải sáp nhập trong vài năm qua để phù hợp với mức giá thấp hơn, điều này sẽ hạn chế tăng nguồn cung, mặc dù vẫn còn một lượng lớn kim loại trên thị trường trong các phiếu tài chính và rủi ro hồi phục sản xuất cao nếu giá tăng lên.

Theo 26 chuyên gia kinh tế, giá nhôm ước tính đạt mức 1.871 USD/tấn trong năm 2014, tăng 2,4% so với dự báo trước đó và tăng 1,4% so với giá năm 2013. Trong năm 2015, giá sẽ tăng lên đến 2.000 USD/tấn, tăng 2% so với ước tính trước đó.